Trò chuyện trên Ky Quan San

Nếu như chuyến trekking 02 năm trước là chuyến đi mà mình tự an ủi, vỗ về bản thân thì chuyến trekking 2020 này, mình đã nhìn cuộc đời với một cái nhìn rất khác. 

Dãy Ky Quan San hay Bạch Mộc Lương Tử là ranh giới tự nhiên phân chia hai tỉnh Lai Châu và Lào Cai. Để chinh phục được đỉnh núi được cho là cao thứ 4 Việt Nam, cao 3.046m này, team mình mất 3 ngày 2 đêm ở trển. Cũng như lần trước, Travel Up là địa chỉ mà mình tin tưởng và lựa chọn để đồng hành. Điều khác biệt lớn nhất và tạo nên nhiều khác biệt nhất là mình không còn đi một mình, mà bám càng có thêm anh bạn thân nữa.

Cuộc hội tụ ba miền

Hóa ra là có nhiều bạn Sài Gòn ra miền núi phía Bắc để trekking đến thế! Đó là sự thật khiến mình vô cùng ngạc nhiên khi biết rằng trong danh sách đoàn có khoảng mười người, tương đương một nửa bay từ thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội để tham gia chuyến đi này. Trên cung trek, bọn mình còn gặp những đoàn khác với tỉ lệ còn có phần vượt trội hơn. 

Ngoài vùng miền, tỉ lệ giới tính của đoàn mình cũng có nhiều bất cập khi có tận 16 bạn nữ và chỉ có 5 chàng trai, một cặp chị em gái sinh đôi, một đôi 97 quê Vĩnh Long đi chụp ảnh cưới (làm nguyên tour xuyên các tỉnh miền Bắc), một đôi vợ chồng (76-74), một đội cựu đồng nghiệp, một tổ hợp kì dị giữa một anh chủ tour Thác Mai (kiêm cán bộ huyện thuộc tỉnh Đồng Nai) và hai chị khách =)) Một chiếc tour siêu hổ lốn nhưng hết sức đáng yêu, mỗi tội hơi đông nên không có quá nhiều thời gian để lắng nghe những câu chuyện thú vị từ tất cả mọi người.

Chuyến đi ba miền, từ Nam chí Bắc, gặp nhau trên đỉnh Ky Quan San 3.046m.


Sương mù trên Đồi Muối, buổi sáng đầu tiên (07/11/2020)

Ấn tượng với cô gái người Mông

Để lại cho mình nhiều ấn tượng nhất lại là cô bé người Mông tên Khu. Cách Hà Nội khoảng 426km (bạn phải đi xe từ Hà Nội -> Sapa và đi xe khoảng 50km để đến chân núi), cô gái nhỏ bé sinh năm 1998 lấy chồng từ thuở 17, với đứa con 5 tuổi ở nhà phăm phăm gù trên mình 20kg vượt núi. Với 23 người gồm thành viên đoàn, một bạn lead và một bạn support, đoàn mình có 11 potter hỗ trợ, Khu là một trong số đó. 

Khu là cô gái hay cười và hay chuyện. Cô bé cười cả quãng đường đi, miệng liếng thoắng hết tiếng Mông lại sang tiếng Việt. Hỏi chuyện mới biết Khu lấy chồng những năm 17 tuổi, theo tục cướp vợ lúc bấy giờ (năm 2018, giờ tục cướp vợ đã không còn). Con gái Mông nếu 22 tuổi chưa lấy chồng, thì không những bị coi là ế, mà chỉ có thể ‘được’ kết hôn với những người đã goá vợ. Em gái Khu, Liêng – sinh năm 2002, bởi vậy cũng đã lập gia đình từ năm ngoái và có con 1 tuổi.

Về chuyện học chữ, đoàn potter nói tiếng Việt giỏi, cũng được học viết tiếng Việt ở trường nhưng tiếng Mông – ngôn ngữ chính của mọi người – thì chỉ được truyền miệng từ đời này sang đời khác. Họ học tiếng Mông qua tivi, và nhiều trẻ em người Mông giờ còn không biết rõ cách viết tiếng Mông nữa. Nếu không giữ gìn chữ viết, và cùng với sự phổ biến của tiếng Kinh, văn hoá các dân tộc thiểu số có thể sẽ lụi tàn.

Đơn cử như ông nội của Liêng và Khu, ông có thể nói tiếng Mông, tiếng Dao và tiếng Giáy (đoạn này mình nghe không rõ lắm nên về có gg lại các dân tộc ở Lào Cai). Muốn trao đổi với người dân tộc nào, ông sẽ nói bằng tiếng dân tộc đấy. Nhưng bây giờ không có sự giao thoa văn hoá như thế nữa, người dân tộc thiểu số sẽ dùng tiếng Việt để nói chuyện với nhau. 


Bầu trời sao Đồi Muối, tối cùng ngày. Cre người anh Quốc Hùng (lead team Thác Mai)

Và điều mà mình học được

Mặc dù mình vẫn ngúng nguẩy bảo chuyến này đi chán vì thời tiết và địa hình tệ quá nhưng nhìn lại chẳng có chuyến đi nào là vô ích cả. Mình được trải nghiệm những câu chuyện về văn hoá, được nhìn ngắm thành viên của 3 thế hệ ngồi quanh đốm lửa, cười nói ríu rít với nhau, khuôn mặt rạng ngời hạnh phúc. 

Nhìn họ, mình thấy hạnh phúc lây, rồi mình tự hỏi sao người ta có thể hạnh phúc như thế? Liệu có phải ít lựa chọn hơn, sống đơn giản thì sẽ hạnh phúc hơn không? Những con người đi ngủ lúc 10-11h đêm, tỉnh dậy lúc 4h sáng, vượt núi băng rừng, giữa không gian không điện, không internet, họ ngồi cạnh nhau, kể cho nhau nghe câu chuyện, với giọng cười rổn rảng, với ánh mắt lấp lánh rạng ngời, chao ôi ánh lửa lúc ấy còn không sáng bừng bằng khuôn mặt của những người ngồi đó, một vẻ đẹp chân thực, vẻ đẹp trong trẻo nhất, đẹp đẽ nhất của những người lớn ‘lạ’, thứ mà mình chỉ mới được chiêm ngưỡng từ các em bé tinh khôi.

Lần này, mình không bị choáng ngợp bởi cảnh đẹp của thiên nhiên như hai năm trước trên đỉnh Tà Chì Nhù. mình không có cảm giác mình bé nhỏ giữa thiên nhiên, không có cảm giác vỡ bùng nhựa sống trong tim, hít lấy hít để cho khí tràn lồng ngực nữa. Lần này, mình lắng nghe con người nhiều hơn và cảm thấy không hiểu vì sao chúng ta lại chấp nhận cuộc sống với ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm trong chính suy nghĩ của chúng ta. Chúng ta lăn tăn về việc kiếm được bao nhiêu tiền, deal được bao nhiêu, rồi nhốt mình trong những suy nghĩ ích kỉ và tằn tiện.

Mình vẫn là một đứa hèn khi vẫn đang theo cuộc sống của số đông, chỉ thỉnh thoảng trốn phố thị để đến những nơi bình yên, để mẹ thiên nhiên gõ vào đầu, nhắc nhở mình cần sống chân thành, tử tế, biết ơn những gì mình đang có, để biết những mảnh đời khác, để tâm mình tĩnh lại, để được thả trí óc vào những khoảng suy nghĩ mông lung, vô định.

Trekking vẫn luôn mang lại cho mình những điều thú vị. Sớm thôi, mình sẽ tiếp tục lại đi! 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *