Tôi tự học: “Không ai bắt chước ai được, vì không ai giống ai cả”

Vừa đọc xong cuốn “Tôi tự học” của tác giả Nguyễn Duy Cần và cảm thấy cần phải review nó ngay và luôn dù nó hơi đi ngược lại với những gì học được và thấm nhuần được sau khi đọc tác phẩm. Nhưng khi cảm xúc vẫn còn vẹn nguyên như thế này, bản thân mình muốn ghi lại một chút những cảm quan của cá nhân để sau này có thể tự mình ngẫm lại. Những dòng dưới này hoàn toàn là cảm xúc cá nhân của mình, khi chưa tiếp cận bất cứ review nào từ giới chuyên môn hay các độc giả khác.

Tôi tự học là một cuốn sách hay, nhưng không dành cho những ai thiếu kiên nhẫn. Mình đã ngâm dấm cuốn sách này trong vòng hai tuần dù cuốn sách chỉ dày 262 trang vì quá chán nản khi đọc đoạn mở đầu. Nhưng sau khi hoàn thành cuốn sách này, mình tin mình sẽ đọc cuốn này nhiều lần nữa, để hiểu hơn những gì tác giả muốn chuyển tải, và để biết mình cần học gì khi bắt đầu cảm thấy hoang mang với sự học của mình.

Được viết bởi tác giả sinh sống và học tập vào thể kỉ XX nên những tác phẩm hoặc góc nhìn của tác giả có thể không còn phù hợp với hiện tại. Tuy nhiên cách ông khai thác, tư duy về việc tự học của tác giả thể hiện rất rõ sự uyên thâm và tri thức của ông. Ở tác phẩm này, mình đánh giá cao 3 chương 5,6,7 lần lượt là: ĐỌC NHỮNG GÌ, HỌC NHỮNG GÌ và BA YẾU TỐC CHÍNH ĐỂ XÂY DỰNG MỘT NỀN VĂN HOÁ VỮNG VÀNG.

Với giới trẻ ngày nay, chúng ta được tiếp cận quá nhiều luồng tri thức từ nhiều kênh khác nhau, tự học giờ không chỉ quá sách mà còn có thể là internet, dưới nhiều hình thức như clip, bài hướng dẫn… Có thể chính vì việc có quá nhiều tài nguyên, khiến phần lớn chúng ta không biết chúng ta nên học gì và bắt đầu từ đâu. Khác với cách review một cuốn sách và đưa ra cảm nhận cá nhân, mình sẽ tiếp cận theo hướng cuốn sách dạy mình điều gì để có thể phát triển bản thân và không bị mông lung giữa hàng vạn tri thức mà mình được tiếp cận trên đời. Đây là những gì mình học được sau khi đọc “Tôi tự học”, mình nghĩ chính mình và các bạn nên tìm hiểu thêm những nguồn khác để hệ thống lại và tìm cho mình phương thức phù hợp với mỗi người. (Điều này cũng được chính tác giả đề cập ở phần Kết luận của cuốn sách).

Đầu tiên, cuốn sách dạy mình rằng, bản thân mỗi người chúng ta nên rèn luyện 3 yếu tố: ÓC KHOA HỌC, ÓC TRIẾT HỌC và BIẾT XÚC CẢM. Khoa học không phải là những thứ quá cao siêu mà chính là những kiến thức, tri thức mà chúng ta vận dụng hàng ngày, đơn cử có thể kể đến công việc. Thực sự để có được óc khoa học, hiểu được bản chất của những thứ xung quanh ta, chúng ta cần rèn luyện Óc Toán học (lý luận, chứng minh) va Óc thực nghiệm (thí nghiệm, thực tiễn). Với óc triết học, triết luận giúp bản thân ta tìm hiểu các ý nghĩa của mọi sự, mọi vật trên đời; giúp ta tìm phương hướng, thái độ trước sự phiền phức của cuộc đời. Tác giả chỉ ra cho ta thấy rằng nên tiếp cận triết học từ Tâm lý học, đến Luận lý học và sau cùng là Luân lý học. Nếu rèn luyện được hai yếu tố trên, bạn có thể là người tài, nhưng để có đức, bạn cần phải trau dồi xúc cảm thông qua: đặt mình vào vị thế của người khác (biết cảm, biết yêu); sống với văn nghệ; và hiểu chính mình, biết bản ngã của mình. Ba yếu tố này như ba chân đế, mỗi người cần rèn luyện và phát triển đồng đều cả ba yếu tố này, để tự tin hơn với nền tảng và học vấn của mình, tự tin để nói rằng mình là người có học.

Chúng ta đã biết chúng ta cần trui rèn những yếu tố gì, vậy chúng ta cần đọc sách gì/tìm hiểu những tài nguyên gì để phát triển những yếu tố trên? Đó là bài học thứ hai mình học được. Ở phần này, dưới góc độ là một học giả, mình cảm thấy phần Đọc những gì của ông thiếu các tựa sách liên quan đến chuyên ngành – cái này liên quan mật thiết đến mỗi cá nhân, tuy nhiên, ở những lựa chọn còn lại, mình tin là mình và các bạn nếu có thể lĩnh hội được những tác phẩm thuộc các chủ đề này thì sẽ rất có lợi:

  • Đọc tiểu thuyết tâm lý: sách tâm lý là những cuốn sách giãi bày tâm trạng con người. Người đọc thông qua những cuốn sách này có thể sẽ có những góc nhìn khác về cuộc đời (hiểu hơn về đời), đặt vấn đề về giá trị cuộc đời và đi sâu tâm lý con người. Khi đặt con người vào những tình huống éo le, cách con người hành xử, thông cảm và thấu hiểu, đặt câu hỏi tại sao sẽ giúp chúng ta biết được rõ hơn về con người, thông cảm hơn với nhân tình thế thái. (Hiện tại chúng ta có thể tiếp cận tri thức dạng này thông qua điện ảnh)
  • Đọc sử: sử học giúp ta nhìn nhận quá khứ và là bài học cho tương lai. Điều này chỉ đúng khi ta tiếp cận được sử “đúng”. Trong phần đọc sử, tác giả đi sâu khai thác “phương pháp phê bình sử học”, đề xuất việc chúng ta nên tiếp cận một cách “dè dặt” các kiến thức lịch sử, bởi con người ta thường nhìn mọi thứ với góc độ không toàn diện và mặt trái của “sự nguỵ tạo của trí nhớ” (thường ta hay thêm vào những gì ta không nhớ để cho sự nhớ được đầy đủ). Vậy nếu chúng ta không tiếp cận một cách “dè dặt” khi đọc sử, ta sẽ có nguy cơ hiểu sai, tiếp cận sai… và trong nhiều trường hợp “dục vọng, yêu ghét, óc phe phái, tư lợi… làm cho ta giải thích sau lầm tất cả những điều nghe thấy.” Ta nên tìm sự thật, xác minh tính chính xác, nỗ lực phục hồi nguyên bản và nhìn mọi thứ một cách toàn diện. Phương pháp phê bình sử học chắc chắn sẽ không chỉ áp dụng khi đọc sử, mà nên nhìn rộng ra, bao quát hơn khi tiếp cận mọi vấn đề.
  • Đọc báo: ở mục này, mình nghĩ cách tiếp cận của tác giả không còn quá chính xác, bởi báo chí những năm 19xx và bây giờ đã có một khoảng cách cực lớn. Báo chí bây giờ đa dạng hơn về kiến thức, cách tiếp cận và tiến rất xa so với báo chí của ngày xưa.
  • Đọc những sách về thiên văn và địa lý: con người ta sinh ra trên trái đất này, nên biết mình là ai, ở đâu và tiến trình phát triển như thế nào. “Nó là mối phát sinh những tư tưởng thanh thoát, đưa con người ra khỏi những cảm tưởng nhỏ nhen ti tiện và chật vật của cuộc đời vật chất, gây cho mình có nhiều tư tưởng thâm trầm về ý nghĩa của nhân sinh.”

Biết mình cần đọc gì, vậy làm sao để tìm được nguồn hay, sách hay? Trong tác phẩm cũng có đề cập đến nhiều tựa sách và tác giả, tuy nhiên đều có nguồn gốc: Việt, Trung và Pháp ở những năm 90. Với lượng tri thức khổng lồ ngày nay, chúng ta có nhiều nguyên liệu có thể tiếp cận hơn, sau khi khoanh vùng được chủ đề và kiến thức cần học, câu hỏi cần phải đặt ra là Chọn sách hay như thế nào?

Sách hay là sách khơi gợi ta suy nghĩ, cho ta cái cần câu chứ không hẳn là mang cho ta con cá, đó là quan điểm của tác giả và mình đồng tình với quan điểm này. Đọc sách bạn có thể gật đầu như bổ củi, nhưng nếu không mang lại cho bạn tri thức gì mới hoặc không khiến bạn suy nghĩ thêm thì đừng coi đó là sách hay. Theo Nguyễn Duy Cần, quyển sách hay (trước tiên nói về sách học, đứng ở phương diện người bắt đầu tự học) là:

  • Loại trừ những sách học mà dài nhăng nhẳng, to lớn nặng nề. Sách nào quá dài, tốt hơn đừng đọc. Hãy đợi khi mình đã có được một luồng mắt thống quan rồi, bấy giờ sẽ đọc đến những sách trường giang của những nhà nghiên cứu và chuyên môn.
  • Loại trừ những sách buồn chán. Sách học mà trình bày một cách buồn tẻ khô khan là sách không nên đọc: mất thì giờ, mất hứng thú, thật không kết quả gì.
  • Loại trừ những sách khó hiểu.
  • Đọc những cuốn sách do các chuyên gia trong lĩnh vực giới thiệu hoặc đọc những sách do các tác giả có tên tuổi viết ra.

Bên cạnh các ý trên, mình khá tâm đắc với hai ý mà tác giả đưa ra: đọc sách nên “uống nước tận nguồn”. Nếu có khả năng về ngôn ngữ, nên đọc chính tác phẩm do tác giả viết ra, không nên đọc qua bản dịch vì dù có tài năng đến đâu, quá trình dịch chắc hẳn sẽ làm thay đổi chút ít ý tứ của cuốn sách. Khi đọc sách nên trung dung, tìm hiểu đa chiều rồi mới đưa ra kết luận. Thứ hai là cần đọc những sách cao hơn tầm hiểu biết của mình, như thế mới có lợi cho sự tiến bộ tinh thần trí não. Người đọc sách nên đọc đa dạng, từ đó tạo lập chính kiến của mình, không nên ai nói cũng hay, nên so sánh và đối chiếu, phân tích và lập luận. Tốt nhất là nên có mục đích khi đọc sách, vậy mới không phí hoài về thời gian.

Trên đây là những điều mình tích luỹ được sau khi đọc “Tôi tự học”. Chắc hẳn mỗi người đọc sẽ có một góc nhìn khác nhau và mình hi vọng góc nhìn của mình sẽ mang lại điều gì đó thú vị dành cho bạn. Để lại bình luận của bạn nếu muốn trao đổi thêm về cuốn sách này nhé!

P/s: Cảm ơn anh Phan Đình Đức đã tặng em cuốn sách này <3

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *