Những vị trí liên quan đến viết lách trong doanh nghiệp

Thời gian gần đây, xu hướng freelance writer đang phát triển, tuy nhiên để thành công trên con đường này thật sự không hề dễ dàng. Phần lớn người viết, thực tế vẫn đang bám víu lấy các doanh nghiệp, các toà soạn báo, các nhà xuất bản sách, agency PR/Marketing… để kiếm sống và nuôi dưỡng niềm đam mê của mình.

Không phủ nhận, nhiều người viết không thuộc nhóm freelancer full-time vẫn đang hạnh phúc với lựa chọn của mình. Với kinh nghiệm 5 năm làm việc trong doanh nghiệp; đã, đang và dự kiến sẽ tiếp tục theo đuổi con đường viết lách, mình hi vọng những chia sẻ dưới đây của mình sẽ có ích với các bạn trẻ về những cơ hội việc làm liên quan đến viết lách trong doanh nghiệp.

Branding

Nói về thương hiệu trong doanh nghiệp, mình có thể tạm chia thành 03 nhóm: thương hiệu công ty – thương hiệu nhà tuyển dụng – thương hiệu sản phẩm. Với từng nhóm, đối tượng mục tiêu sẽ có những điểm khác biệt nhất định.

Ví dụ đơn giản, với Unilever – doanh nghiệp FMCG đa quốc gia với nhiều nhãn hiệu nổi bật như OMO, Sunsilk, P/S, Close Up… nhiều người có thể không biết đến Unilever (thương hiệu công ty) nhưng hoàn toàn có thể đã từng nghe đến thương hiệu của các nhãn hiệu kể trên (thương hiệu sản phẩm). Song song với đó, thương hiệu nhà tuyển dụng (Employer branding) là thương hiệu của doanh nghiệp trong mắt nhóm nhân sự tiềm năng hoặc đã hoặc đang làm việc tại công ty.

Với lĩnh vực branding, mình đã trải nghiệm vị trí chuyên viên chịu trách nhiệm cho mảng Employer Branding và Corporate Branding. Dù ở vị trí nào, việc của mình là quản lý hình ảnh của công ty trong mắt công chúng mục tiêu. Như vậy, mình cần quản lý các kênh tương tác với công chúng như báo chí, website, social media, sự kiện… thông qua các bài báo, bài viết, tin tức, bài đăng, video, nội dung ảnh… Đồng thời, mình cũng phải chịu trách nhiệm kiểm tra các phát ngôn, bài trình bày của các KOL trong doanh nghiệp (giám đốc, trưởng bộ phận…) về các chủ đề liên quan đến doanh nghiệp trong mảng mà mình phụ trách.

Bên cạnh việc chịu trách nhiệm về nội dung, người làm thương hiệu cần đảm nhiệm việc phát triển mối quan hệ đối tác với các bên liên quan như báo chí, người chịu trách nhiệm về thương hiệu của các doanh nghiệp đối tác, các phòng ban… để có thể cập nhật các tin tức một cách nhanh nhất cũng như đảm bảo lợi ích về hình ảnh của doanh nghiệp. Mỗi vị trí cụ thể thì sẽ có những tính chất khác nhau, nếu có điều kiện, mình sẽ chia sẻ kĩ hơn về các chủ đề này.

Về kĩ năng, những người làm branding cần nắm vững các kĩ năng báo chí cơ bản: viết Thông cáo báo chí, lấy tin, phỏng vấn, viết bài nhân vật, chụp hình, thiết kế cơ bản, lên kịch bản video… Bên cạnh đó, họ cũng cần liên tục cập nhật các xu hướng thị trường, đảm bảo sản phẩm cuối được tiếp cận một cách mới mẻ, nhận được sự quan tâm của công chúng.

Với những lĩnh vực đặc thù, ví dụ như công nghệ, người làm thương hiệu cần có những hiểu biết và tri thức nhất định về nhóm ngành, cũng như cần tìm hiểu insight của nhóm công chúng mục tiêu, từ đó đảm bảo được tính chính xác về nội dung, ngữ nghĩa cũng như có những cách tiếp cận phù hợp.

Content Marketing

Ở phần 1, mình không nhắc quá nhiều đến nội dung về product branding – thương hiệu sản phẩm vì mình muốn chia sẻ nhiều hơn về nội dung này ở mục content marketing.

Vẫn còn nhiều định nghĩa khác nhau và có những ý kiến nhiều chiều về branding và marketing. Mặc dù không quá rạch ròi, nhưng với mình product branding là một phần thuộc hoạt động marketing, phục vụ trực tiếp cho hoạt động bán hàng.

Khác với công chúng của người làm thương hiệu (thường đa dạng hơn, quy mô lớn hơn), đối tượng của người làm marketing thường có chân dung cụ thể. Ví dụ như sản phẩm sữa rửa mặt dành riêng cho nam giới, độ tuổi từ 25-40, khu vực Hà Nội… đại loại vậy. Mục tiêu của người làm marketing là lan toả hình ảnh/thông điệp của nhãn tới nhóm đối tượng cụ thể này thông qua các kênh báo chí, mạng xã hội, kênh tìm kiếm, các trang sàn thương mại, cổng giao dịch, influencer, truyền hình, email…, từ đó khơi gợi nhu cầu và thúc đẩy hành vi mua hàng.

Content Marketing là việc tạo ra và phân phối các nội dung có giá trị, phù hợp và nhất quán để thu hút & chuyển đổi nhóm khách hàng mục tiêu dọc theo hành trình khách hàng phục vụ cho mục đích truyền thông thương hiệu hoặc bán hàng để gia tăng doanh số, thị phần, độ phủ như một cách làm marketing.

Nguồn: Internet – Xem thêm tại ĐÂY

Như vậy người làm nội dung marketing sẽ cần chuẩn bị nội dung để đẩy đi các kênh này, bao gồm cả nội dung nền về sản phẩm (tài liệu giới thiệu, HDSD, proposal, slide…) và nội dung cho các kênh theo từng chiến dịch (tagline theo mùa, theo chiến dịch, bài viết chuẩn SEO, bài post cho các influencer, kịch bản video, blog…) đại để là nhiều vô kể xiết.

Đơn cử như hình ảnh trên đây là các vị trí trong phòng Marketing theo Philip Kotler, “cha đẻ” của Marketing hiện đại, trình bày từ năm 2012 tại buổi nói chuyện do AON tổ chức. 2021, với sự thay đổi của công nghệ và những biến đổi của thị trường, các vị trí marketing không chỉ dừng lại ở đây mà còn mở rộng hơn nữa.

Bởi vậy, làm marketing cũng có marketing this marketing that, cũng chia ra rất nhiều công việc khác nhau để chuyên môn hoá. Content marketing cần liên tục cập nhật, làm mới bản thân bởi nhiệm vụ của chúng ta là sáng tạo nội dung không ngừng nghỉ.

KẾT

Mình đã search “Content Marketing là làm gì” trên Google để lấy nguyên liệu cho bài viết nhưng kết quả trả về trong 02 trang đầu tiên không có nhiều thông tin để tham khảo. Mình sẽ cân nhắc đưa ra những nội dung mới cụ thể hơn, mạch lạc hơn về hai vị trí mà mình có nhắc tới trên đây trong các bài viết tiếp theo.

Tựu chung lại, có nhiều nghề liên quan đến viết lách. Tuỳ thuộc vào mô hình doanh nghiệp, không kể các doanh nghiệp đặc thù thì cơ bản các bạn yêu viết lách có thể gia nhập phòng Truyền thông hoặc Marketing của doanh nghiệp, đảm nhận các vị trí như Internal PR, External PR, Content Marketing (theo hiểu biết của mình).

Viết lách trong doanh nghiệp đòi hỏi bạn cần có nhiều kĩ năng tổng hợp, đây cũng là xu hướng của nhân sự trong tương lai với khả năng thích ứng nhanh với sự thay đổi của thị trường nhân lực. Mình đang trên hành trình học hỏi và rèn luyện để trở thành chuyên gia trong lĩnh vực viết lách trong doanh nghiệp. Mình sẽ tổng hợp và ghi chép lại những kiến thức hữu ích, hi vọng cũng sẽ có ích cho mọi người.

Cảm ơn bạn vì đã đọc đến dòng cuối cùng này <3

Nguồn ảnh: Glenn Carstens-Peters (Unsplash)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *