2018.12.04 Đôi điều về máy ảnh (Phần 2)

Tiếp tục với phần 1, đến với phần 2, mình sẽ giúp các bạn có những thông tin cơ bản về ba thông số mà theo mình là quan trọng nhất mà bạn cần biết để làm chủ thiết bị của mình hay còn được biết đến là Tam giác phơi sáng, gồm: khẩu độ, tốc độ màn trập và ISO.

Bên cạnh những yếu tố có thiên hướng nghệ thuật như góc chụp, mẫu, hồn của bức ảnh thì yếu tố quan trọng nhất (theo mình) là ánh sáng. Việc nắm bắt cách điều chỉnh cân bằng sáng, lấy nét, thay đổi các thông số sẽ giúp bạn có được một bức ảnh như ý.

Khẩu độ (Aperture)

Khẩu độ (viết tắt là F) là yếu tố đầu tiên mình muốn nhắc đến. Khẩu độ tác động đến hai yếu tố: lượng ánh sáng thu vào và độ sâu trường ảnh. Trong đó, lượng ánh sáng thu vào tùy thuộc vào độ mở của ống kính, lượng ánh sáng vào càng nhiều thì ống kính hoạt động càng nhanh – giảm thời gian phơi sáng sẽ hạn chế các yếu tố nhiễu, rung… và có thể chụp được các đối tượng chuyển động với tốc độ nhanh như thể thao, động vật hoang dã… Ngoài ra, trong điều kiện thiếu sáng, ống kính có độ mở lớn sẽ là một lợi thế rất hiệu quả.

Bên cạnh đó, độ sâu trường ảnh là lượng ảnh của bạn xuất hiện sắc nét từ trước ra sau, đây là yếu tố mà các bạn thích những bức hình xóa phông cần quan tâm. Một số hình ảnh có độ sâu “mỏng” hoặc “nông” của trường, nơi nền hoàn toàn nằm ngoài tiêu điểm. Các hình ảnh khác có độ sâu trường “lớn” hoặc “sâu”, nơi cả nền trước và nền đều sắc nét.

Khẩu độ càng lớn dẫn dến một lượng lớn mờ nền, thường dùng cho ảnh chân dung hoặc ảnh chụp các vật thể/đối tượng chi tiết. Mặt khác, một khẩu độ nhỏ dẫn đến một lượng nhỏ nhòe nền, thường là lý tưởng cho những thứ như hình ảnh phong cảnh và kiến ​​trúc, đảm bảo rằng nền ảnh sắc nét nhất có thể từ trước ra sau.

Về mặt khoa học, theo wikipedia, khẩu độ của (ống kính) máy ảnh, là đường kính của cửa điều sáng tại vị trí ống kính của máy ảnh làm nhiệm vụ điều chỉnh lượng sáng khi chùm tia sáng phản chiếu từ vật thể đột nhập vào ống kính. Khẩu độ (Aperture) của ống kính máy ảnh là yếu tố rất quan trọng đối với ống kính và máy ảnh. Khẩu độ (hay độ mở) của ống kính càng lớn tức là trong một khoảng thời gian nhất định lượng ánh sáng mà cảm biến (hoặc phim) nhận được càng nhiều. Đó là một phần quyết định tốc độ của ống kính. Những ống kính có khẩu độ càng lớn thì càng đắt.

Đơn vị đo khẩu độ là mm hoặc là một số không có đơn vị tùy theo loại ống kính. Trong kính thiên văn hay các loại ống kính thường thì đó là đường kính của lỗ mở để ánh sáng lọt vào. Để lấy ví dụ minh họa ta chỉ xét các trường hợp phổ biến này, tức là khẩu độ được đo bằng mm. Đại lượng tính bằng tỉ lệ giữa tiêu cự của ống kính và khẩu độ tương ứng tiêu cự được gọi là “số dừng” (tiếng Anh: stops) đó được chuẩn hóa theo dãy số: 1.4 – 1.8 – 2.8 – 3.2 – 3.5….11 – 16 – 22… Một ống kính có tiêu cự = 50mm, đường kính lỗ mở (khẩu) tối đa = 17,9mm -> Đại lượng tỷ lệ này là: 50/17,9 = 2,8 và được gọi là f/2.8. Một ống kính có tiêu cự từ 100mm – 200mm, đường kính lỗ mở tối đa ở tiêu cự 100mm = 25mm, ở 200mm là 35,7mm -> Khẩu độ ống sẽ là f/4-f/5.6.

Thường thì người ta lấy giá trị lớn nhất của “số dừng” để đặt cho ống kính. Và, giá trị “số dừng” càng nhỏ thì độ mở của ống kính càng lớn (khẩu độ f/1.8 sẽ lớn hơn f/3.5). Link: https://vi.wikipedia.org/wiki/Kh%E1%BA%A9u_%C4%91%E1%BB%99

Hiểu một cách đơn giản, bạn hãy nhìn vào lens của máy ảnh, xoay điều chỉnh khẩu độ, bạn sẽ thấy độ lớn của vòng tròn bên trong thay đổi khác nhau. Độ lớn vòng tròn càng lớn, tương đương độ mở lớn, ánh sáng càng nhiều, xóa phông mờ mịt. Độ lớn vòng tròn nhỏ, độ mở bé, ánh sáng lọt vào ít, nền ảnh sắc nét từ trước ra sau. Mình thích các bức ảnh xóa phông nên bên cạnh chế độ tùy chỉnh bằng tay, mình thường chọn chế độ A – Ưu tiên khẩu độ.

Tốc độ màn trập (Shutter speed)

Giống như tên gọi, tốc độ màn trập là thời gian mà màn trập máy ảnh được mở, thời gian càng dài, càng thu được nhiều ánh sáng. Thông số màn trập trên máy ảnh là số nguyên n (1-2400), tuy nhiên thực tế, thời gian tốc độ màn trập được tính là 1/n (s).

Từ trái qua, tốc độ màn trập tăng từ chậm đến nhanh.

Theo dõi hình ảnh trên, có thể thấy tốc độ màn trập ảnh hưởng đến khả năng lấy chuyển động của vật thể. Tốc độ càng chậm, khả năng lấy chuyển động càng kém và ngược lại. Trong bài viết về Nhiếp ảnh cơ bản của blog https://studylinux.wordpress.com có một đoạn như thế này:

  • Chuyển động không phải lúc nào cũng tồi. Có những lúc chuyển động sẽ tốt. Ví dụ, khi bạn chụp một thác nước hoặc cảnh biển và muốn thể hiện dòng nước đang chảy, hoặc khi bạn chụp một chiếc xe đua, và muốn người xem có cảm giác nó đang chuyển động nhanh, hoặc khi bạn chụp bức ảnh trời sao, và muốn thể hiện các ngôi sao đang di chuyển theo quỹ đạo của nó. Trong những tình huống thế này, bạn nên để tốc độ màn trập ở mức thấp. Tuy nhiên, bạn cần phải có một cái tripod và cố gắng hạn chế tác động vào chiếc máy ảnh của bạn (nó sẽ làm hỏng bức ảnh của bạn, thay vì được làm mờ theo ý đồ ban đầu).
Trong ví dụ về ảnh chụp cảnh biển dưới đây, tốc độ màn trập là 1/3 giây, vì vậy chúng ta có thể cảm nhận được chuyển động của nước biển.

Với những bạn không quan tâm quá nhiều đến tốc độ màn trập, quy tắc ngón tay cái sẽ là một quy tắc mà bạn nên nằm lòng. Độ dài tiêu cự của ống kính (lens) càng lớn thì sẽ ảnh hưởng nhiều hơn đến việc rung lắc của máy ảnh, và do đó bạn cần phải chọn tốc độ màn trập cao hơn (trừ khi trong ống kính hoặc máy ảnh có bộ ổn định hình ảnh – image stabilization). Quy tắc ngón tay cái được sử dụng với chiều dài tiêu cự (trong trường hợp bạn không có bộ ổn định hình ảnh) là lựa chọn tốc độ màn trập có mẫu số lớn hơn chiều dài tiêu cự của ống kính. Ví dụ, nếu bạn có một ống kính với độ dài tiêu cự là 50mm, thì chọn 1/60 giây sẽ phù hợp, còn nếu độ dài tiêu cự là 200mm thì bạn nên chọn tốc độ vào khoảng 1/250 giây.

ISO

ISO thường được biết đến là độ nhạy sáng (nhạy với ánh sáng tự nhiên bên ngoài) và được đo bới các con số từ 100 đến 3200 … Con số càng nhỏ, tương đương với độ nhạy sáng càng thấp, độ mịn của bức ảnh càng cao và ngược lại.

Thông thường, để giữ được độ mịn của bức ảnh, bạn nên cố gắng để giữ cho ISO càng thấp càng tốt, vừa đủ với môi trường xung quanh. Ví dụ như ở ánh sáng nắng mặt trời, nắng to, và tăng lên khi trời im hoặc ánh sáng trong nhà. Tất nhiên, như đã nói ở trên, để có một bức ảnh tốt (về mặt phơi sáng), cần để ý cả hai yếu tố còn lại là khẩu độ và tốc độ màn trập.

Kết 

Bên cạnh ba yếu tố trên, cân bằng trắng là một yếu tố mà bạn cũng nên quan tâm (mặc dù thú thật mình chẳng bao giờ để ý yếu tố này). Về cơ bản, cân bằng trắng là một quá trình thay đổi màu sắc của toàn bộ bức ảnh sao cho đúng với thực tế nhất, hay nói cách khác là chỉnh sửa sao cho màu trắng trên hình đúng chính xác là màu trắng mà mắt người cảm nhận.

Mắt ta có thể nhìn sự vật với màu sắc chính xác dưới các điều kiện ánh sáng khác nhau (ví dụ ánh sáng mặt trời tỏa sáng màu xanh blue, ánh sáng đèn dây tóc tỏa ra màu đỏ), nhưng đây sẽ là vấn đề đối với máy ảnh. Máy ảnh phải được định chuẩn màu sắc đúng với từng trường hợp để cho ra ảnh có màu sắc đúng nhất. Việc căn chỉnh màu sắc này chính là Cân bằng trắng.

Thú thật, vẻ đẹp với mỗi người là khác nhau, nhiếp ảnh cũng không ngoại lệ. Việc tìm hiểu thông tin, nắm bắt kiến thức sẽ giúp các bạn có những bức ảnh như mình mong muốn, còn đẹp hay không thì tính sau =))) Đợt này nhờ việc dùng lens MF cộng thêm thử thách viết lách này giúp mình hệ thống lại thông tin, cảm thấy trình độ của mình tăng lên hằn 😀 Đúng là thời thế tạo anh hùng =)))

Lúc nào có chủ đề nào thú vị về nhiếp ảnh, mình sẽ tiếp tục, còn giờ thì bai bai nha :”>

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *