Nhảy việc – Từ góc độ của một nhân sự hay nhảy việc

Ngày cuối cùng của tháng 6, kết thúc ½ năm thứ Covid thứ 2, mình muốn viết một chút về những suy nghĩ của mình liên quan đến nhảy việc.

Mình đánh giá CV của bản thân là một ứng viên hay nhảy việc. Trước đó, lúc làm việc ở FPT, mình hầu như không biết đến khái niệm này. Thời điểm đó mình có tiếp xúc với việc phỏng vấn nhân sự, nhưng phần lớn là phỏng vấn các em sinh viên để làm CTV hoặc part-time. Với đối tượng này, công việc mà các em ứng tuyển thường là công việc đầu tiên, và hồ sơ của các em chỉ hơn trang giấy trắng với đôi ba dòng về năng lực hoạt động trong các câu lạc bộ trong và ngoài trường.

Khả năng scan hồ sơ của mình lên một tầm cao khi mình chuyển sang làm việc ở First Alliances (hay còn gọi là FA, và giờ thì là Persol Kelly). Mình được đào tạo đâu đó khoảng 2 tuần (và bây giờ là 6 tháng) về các bước trong quá trình 360 độ của headhunter và scan CV là một trong các bước đó. Mình học cách đánh giá CV, kĩ năng, cách đặt các câu hỏi để tìm hiểu về năng lực thực sự cũng như kinh nghiệm của ứng viên… Bỏ qua những gía trị khác mà công việc này mang lại (bạn có thể đọc bài viết Khoá học 4 tháng và những trải nghiệm để đời để tìm hiểu thêm), việc scan nhiều CV khiến mình không có thiện cảm với các bạn hay nhảy việc (jumping). Mình cảm thấy những bạn này thường có xu hướng không kiên trì, không rõ bản thân muốn gì và tệ nhất là thực sự không có kiến thức chắc chắn về một vấn đề nào cả.

Tập mẫu của mình có thể không đủ lớn để đưa ra những nhận định mang tính tổng quát, nhưng đâu đó bản thân mình đã có những định kiến nhất định với đối tượng nhân sự hay nhảy nhót này: CV anh này nát lắm, jumping lắm, bla bla… Bi kịch làm sao, chính mình sau hơn 02 năm, trở thành đối tượng bị gán nhãn đó.

Tự ti vì nhảy việc – có đúng không?

Sau quá trình tuyển dụng, mình nhận ra nhảy việc chỉ là một yếu tố bé xíu trong phỏng vấn. Trừ các bạn headhunter hoặc recruiter của công ty thì phần lớn những người khác, phỏng vấn nhân sự không phải công việc chính của họ – và scan CV cũng không hẳn là thế mạnh. Tự gán nhãn bản thân là người hay nhảy việc khiến mình tự ti vào bản thân vô cùng và quên mất những thế mạnh của bản thân. Đáng nhẽ mình nên tập trung vào những thứ gọi là ưu điểm, thì mình lại co mình và cảm thấy bế tắc vì mình lại tiếp tục nhảy việc – là loại nhân sự mà doanh nghiệp không nên tuyển vào.

Mình đã và đang không nhận ra những điểm tích cực mà mình có. Mình không show cho nhà tuyển dụng thấy rằng là trong một năm cống hiến ở doanh nghiệp mình đã làm được gì, đã mang về những gì, đã đạt được những thành tưụ gì mà lại chăm chăm đi giải thích lý do nhảy việc ở từng nơi. Tất nhiên thực tế không bi kịch như những gì mình viết trên đây, nhưng quả thật không sai khi nói rằng đó là những gì đã chạy trong đầu mình khi mình nghĩ suy về công việc từ khi nghỉ việc tới giờ.

Là người trong cuộc, mình khẳng định, mình tự ti vì bản thân hay nhảy việc.

Ngã tư đường bạn sẽ chọn về đâu?

Nhảy việc là một lựa chọn – nhưng tần suất của nó thì không

Vốn sống của mình tăng lên sau những quá trình chuyển từ nơi làm việc này sang nơi làm việc khác. Mình gặp thêm một số case “nhảy việc” như mình, một là thằng bạn chí cốt của mình và hai là ông anh được đánh giá khá cao ở phòng Phát triển sản phẩm, VinBigdata.

Mình nhận ra những suy nghĩ đầu tiên khi bắt đầu mối quan hệ rất quan trọng, nó tác động đến cách mình nhìn nhận và đối xử với đối tác trong mối quan hệ đấy. Ví dụ như bản thân mình, mình rời FA vì nhận thấy công việc không phù hợp với tính cách của bản thân, đến với CMC như một chỗ ghé chân tạm thời và thử thách ở VinBigdata vì muốn tìm kiếm những trải nghiệm thú vị khi còn trẻ. Những nhận định đó đã gián tiếp ảnh hưởng đến các quyết định của mình và cách thức mình làm việc ở các tổ chức này. Còn về tần suất, mình nghĩ nó được xác định bởi nhiều yếu tố. Nếu không phải VinBigdata chắc mình vẫn còn gắn bó ở CMC, nếu không phải vì có những kế hoạch cá nhân dài hơi và muốn một công việc gắn bó lâu dài, mình đã không rời VinBigdata như thế. Bởi vậy nhảy việc là một lựa chọn, nhưng tần suất của nó thì không!

Thời điểm này, khi đã chín muồi và biết mình muốn gì, mình hi vọng có thể gắn bó “lâu dài” với công việc kế tiếp. Chính bởi thái độ cầu thị từ khi bắt đầu, nên mình có lòng tin ở bản thân.

Ai đó đã từng nói hay mình đọc được ở đâu đấy, là công việc cũng như một mối quan hệ tình cảm. Có những giai đoạn như 2 tháng, 6 tháng, 1 năm, 3 năm là những giai đoạn lục đục, dễ chia tay nhau nhất. Đối với mình thời gian ở cạnh nhau này quyết định bởi 02 yếu tố: hai bên có đủ duyên không, và hai bên có đủ niềm tin rằng đối phương là đối tượng phù hợp để đi lâu dài cùng nhau không nữa.

Chẳng có công việc nào 10/10, cũng như con người vậy, nếu đã xác định phù hợp và mong muốn bên nhau lâu dài, cả hai bên phải cùng thấu hiểu, nhường nhịn nhau mà sống. Mình tin, khi đã nắm tay trải qua những khó khăn, bên nhau qua những dấu mốc, hành trình về sau sẽ còn rất nhiều trái ngọt cho nhau.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *