Văn hoá doanh nghiệp là tinh thần của tổ chức, nhưng linh hồn của nó xuất phát từ người đứng đầu, đó là những gì đọng lại trong mình sau khi gập lại cuốn sách Tỷ phú bán giày của Tony Hsieh, CEO Zappos một công ty phục vụ khách hàng và tình cờ bán giày mà thôi.
Mình biết đến Zappos và ấn tượng với công ty này khi đọc phần case study trong cuốn sách Trải nghiệm khách hàng xuất sắc của tác giả Nguyễn Dương. Đó là lý do khi nhìn thấy đầu sách Tỷ phú bán giày mình đã chọn ngay tắp lự để đọc vào một buổi chiều thất nghiệp cảm thấy bản thân có đôi chút vô dụng 😀
Thực tế, khi bắt đầu đọc cuốn sách này, mình không có quá nhiều kì vọng. Đơn giản mình ấn tượng với Zappos và mình chắc rằng điều hành một doanh nghiệp thú vị như này thì CEO cũng sẽ có nhiều điều để kể. Đây cũng là dịp để mình thử nghiệm cách ghi chép mình học được từ chị Chi Nguyễn – The present writer, blogger mình theo dõi liên tục thời gian vừa qua.
Lãnh đạo một doanh nghiệp thú vị là một người thú vị
Mình đọc được đâu đó từ fanpage Tony buổi sáng chia sẻ vì sao thế hệ người Việt du học ở Đông Âu, Liên Bang Nga những năm cuối 7x đầu 8x thành công. Ở góc độ con người, những người này được đi học ở nước ngoài vì họ học giỏi, tuy nhiên, do những biến động về kinh tế, chính trị, họ phải linh hoạt, thay đổi và một số trở thành những con buôn. Sự kết hợp giữa kiến thức học thuật, nền tảng với tính linh hoạt, thích nghi nhanh với xã hội đã tạo ra một thế hệ ‘toàn diện’, có khả năng bứt phá và tạo nên những thành công xuất sắc như bây giờ. Có thể kể đến như bộ ba Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, Masan, Techcombank…
Khi đọc về tiểu sử của Tony Hsieh, mình nhận thấy có một số điểm tương đồng. Tony mê tiền từ nhỏ, thực hiện những phi vụ kinh doanh, điển hình là kinh doanh giun đất ngay từ khi học tiểu học và có những mô hình kinh doanh thành công từ lúc học cấp 2. Chàng trai sẵn sàng bỏ chi phí ban đầu lớn, đầu tư khi nhận thấy cơ hội sinh lời. Tuy nhiên, Tony không thành công vì đi theo con đường đó. Tony theo học ở Harvard, ngôi trường nổi tiếng bậc nhất thế giới và tạo dựng những mối quan hệ sâu sắc với những người bạn xuất sắc của mình. Thành công của Tony, theo mình xuất phát từ 02 yếu tố: nội lực + môi trường (bản chất môi trường này có được cũng nhờ nội lực)
Tony thành công từ những năm 25 tuổi khi bán start up đầu tiên của mình với tên gọi LinkExchange cho Microsoft với 265 triệu USD. Sau khi trở thành triệu phú ở độ tuổi này, chàng trai cảm thấy mông lung, không biết mình là ai, tiền nhiều để làm gì, và quyết định rời bỏ start up do chính mình gây dựng: “Chúng tôi không biết mình muốn làm gì, nhưng chúng tôi đã biết điều mình không muốn làm”.
“Tôi chưa biết mình sẽ làm gì nhưng chắc chắn tôi sẽ làm một điều gì đó. Tôi không định ăn không ngồi rồi và để cuộc đời trôi qua một cách lãng phí. Có thể người ta cho rằng tôi thật điên rồ khi từ bỏ số tiền đó. Có lẽ là đúng vậy, đưa ra quyết định đó cũng thật điên rồ, nhưng như thế mới đúng.”
Tony Hsieh
Với triết lý ‘trải nghiệm quan trọng hơn vật chất’, Tony đã thử thách với Poker, các bữa tiệc khiêu vũ, đọc sách, hoàn thành những ước mơ từ khi còn nhỏ, mở một nhà hàng, mở một quỹ đầu tư…
Zappos hay tinh thần của người đứng đầu
Zappos thành công vì có Tony Hsieh. Tất nhiên, không thể phủ nhận công sức của những người đồng hành nhưng với những gì được thể hiện qua cuốn sách, mình tin rằng dù Tony làm gì thì anh ý cũng sẽ thành công. Anh ý đầu tư vào những gì mà mình hiểu biết, anh ý biết mình muốn một môi trường làm việc như thế nào, anh ý quyết liệt.
Thất bại trong việc duy trì văn hoá doanh nghiệp của LinkExchange là bản lề giúp Tony Hsieh nhận ra tầm quan trọng của duy trì và phát triển văn hoá. Không đặt trọng tâm vào xây dựng văn hoá khác biệt vì xác định văn hoá mỗi doanh nghiệp đều khác biệt và độc nhất giúp Zappos luôn là chính mình và tự tin với sự chính mình đó.
Zappos xây dựng văn hoá doanh nghiệp dựa trên đóng góp của chính các nhân viên, để văn hoá công ty không chỉ ở công ty mà còn trở thành lối sống. Để duy trì và phát triển văn hoá này, quá trình tuyển dụng cũng được xây dựng để đảm bảo các nhân viên mới cũng có những giá trị cốt lõi tương tự. Theo Tony, 03 thành tố quan trọng nhất của Zappos là: Dịch vụ khách hàng; Giá trị công ty; và Đào tạo, phát triển nhân viên. Công ty luôn nhất quán giữa lời nói và hành động và đầu tư vào những gì công ty thấy quan trọng nhất.
Văn hóa Zappos dưới 10 giá trị cốt lõi:
- Mang đến cho khách hàng sự BẤT NGỜ thông qua dịch vụ khách hàng
- Nắm lấy thời cơ và thay đổi
- Tạo ra sự thú vị và một chút kỳ quặc
- Mạo hiểm, sáng tạo và cởi mở
- Không ngừng học hỏi và hoàn thiện mình
- Thiết lập những mối quan hệ cởi mở và chân thật với giới truyền thông
- Xây dựng tinh thần gia đình và đồng đội lành mạnh
- Làm việc hiệu quả
- Đam mê và quyết tâm
- Khiêm tốn
Bên cạnh 10 giá trị cốt lõi này, Zappos còn nổi tiếng với việc trả cho nhân viên mới 2000 USD nếu nghỉ việc, coi dịch vụ khách hàng là trách nhiệm của toàn công ty, xây dựng mối quan hệ với đối tác như với khách hàng, áp dụng nghiên cứu khoa học về hạnh phúc vào điều hành kinh doanh, giúp nhân viên trưởng thành cả nhân cách lẫn chuyên môn, tìm cách thay đổi thế giới…
Cuốn sách này là một cuốn sách đáng đọc. Thử nghiền ngẫm nếu bạn thấy hứng thú về văn hoá doanh nghiệp, về Zappos, về Tony Hsieh, hay về hành trình làm người khác hạnh phúc nhé.