“Hoặc bạn tin tưởng con người về cơ bản đều tốt, hoặc không”. Lựa chọn tin tưởng rằng con người về cơ bản đều tốt và coi đó là đường hướng để phát triển, Laszlo Block – Giám đốc Hoạt động Con người của Google đã thuật lại cho chúng ta câu chuyện đầy đủ mặt tối và mặt sáng đằng sau thành công về mặt Nhân sự của Google thông qua “Work rules: Quy tắc của Google”.
Google không còn là cái tên xa lạ với những ai tiếp cận Internet qua Google Search, Chrome, Android, hay Youtube và ti tỉ các ứng dụng, nền tảng khác. Với quy mô nhân sự khắp toàn cầu, cùng sự đa dạng trong hoạt động kinh doanh, việc quản trị nhân sự như thế nào, cách thức giải quyết bài toán tuyển dụng ra sao… bí quyết luôn giữ top “Nơi làm việc đáng mơ ước nhất” của Google luôn được các doanh nghiệp khác quan tâm. Với tinh thần minh bạch và cởi mở, mình tin bạn có thể tìm kiếm những thông tin này thông qua cuốn sách của tác giả Laszlo Block.
Cá nhân mình thấy cuốn sách này được trình bày hơi lê thê dù quả thật mang đến rất nhiều kiến thức hữu ích cùng nhiều ví dụ thú vị. Có thể đây là lựa chọn của tác giả với mục tiêu hướng tới thể hiện các ví dụ một cách trực quan, giúp người đọc dễ dàng hiểu được cách thức mà GG đang thực hiện cùng ưu điểm, khuyết điểm. Ở chương 14 và chương Lời kết (mình nghĩ nếu không có nhiều thời gian, bạn có thể tập trung đọc hai chương này), tác giả có tổng hợp khá súc tích những kiến thức/hướng dẫn mà ông muốn chuyển tải đến các chuyên viên nhân sự, một số kiến thức thú vị mà mình nghĩ những ai quan tâm đến lĩnh vực nhân sự nên lưu tâm gồm:
Nhóm Hoạt động con người của GG hoạt động dựa trên 04 nguyên tắc chính:
- Phấn đấu để đạt đến Niết Bàn
Bạn cần làm tốt việc của mình (giải quyết bài toán cốt lõi mà tổ chức giao phó cho nhóm của bạn hay còn được biết đến là mục đích khiến nhóm của bạn tồn tại) trước khi mong muốn làm những thứ hay ho và thú vị khác. Do đó, để có thể tạo nên một môi trường nơi mà mỗi CBNV được phát triển, tối ưu năng suất lao động, khoẻ mạnh hơn và hạnh phúc hơn, tác giả đã tạo ra thang bậc của Laszlo: BỘ PHẬN NHÂN SỰ HOẠT ĐỘNG HIỆU QUẢ => TUỲ BIẾN ĐẠI TRÀ THEO NHU CẦU KHÁCH HÀNG => TIÊN LIỆU => NIẾT BÀN.
Theo đó, sau khi đã hoạt động hiệu quả, giải quyết các bài toán căn bản, chúng ta cần nâng cấp hoạt động của mình, thông qua việc đáp ứng nhu cầu cá nhân của khách hàng với hiệu quả tương đương với sản xuất đại trà. Tiếp đó, cung cấp dịch vụ vượt mong đợi của mọi người thông qua việc dự đoán mong muốn tiềm ẩn của họ và cung cấp nó. Ví dụ ở đây của GG là cung cấp $500 dành riêng cho việc gọi đồ ăn cho CBNV sau sinh.
- Sử dụng dữ liệu để dự đoán và định hình tương lai
Đầu tiên, bạn cần thống nhất một bộ định nghĩa chung đối với tất cả dữ liệu về con người. Chỉ khi đó bạn mới có thể phân tích và nghiên cứu chuyên sâu, mổ xẻ dữ liệu ra thật chi tiết để xác định các điểm đặc biệt. Mở rộng ở đây, nên tìm cách phân tích kĩ hai nhóm chóp, nhóm những người toả sáng nhất, và nhóm vì lý do gì đó không thể phát huy tối đa năng lực của bản thân trong tổ chức. Bắt đầu một mô hình nhỏ với những người giỏi thống kê và ham tìm tòi về các vấn đề con người, cởi mở với các ý tưởng điên rồ và sau đó là thử nghiệm.
- Liên tục trau dồi
Vận hành phòng Nhân sự theo tiêu chuẩn nhất quán, liên tục cải thiện dịch vụ của mình và tự thực hiện các dịch vụ “tại chỗ”.
- Hình thành một nhóm làm việc độc đáo
Đây là phần mình cảm thấy khá thú vị khi tác giả chia team của mình thành 3 nhóm nhân sự hoàn toàn khác biệt với phương châm bộ phận Nhân sự cần có kĩ năng phân tích và định hướng kinh doanh. Theo đó, 1/3 cán bộ có nền tảng về nhân sự, 1/3 CBNV có năng lực tư vấn, EQ cao đến từ các văn phòng tư vấn chiến lược hàng đầu chứ không phải tư vấn nhân sự, nhóm còn lại là những người có kỹ năng phân tích cực tốt. Bằng cách áp dụng mô hình 3/3, GG hình thành một tập hợp các khả năng khác nhau: Những người trong mảng HR dạy về cách chi phối và nhận biết các hình mẫu trong con người và tổ chức. Nhóm tư vấn mở mang hiểu biết về ngành nghề kinh doanh và cải thiện chất lượng giải quyết vấn đề. Nhóm phân tích nâng cao chất lượng của mọi thứ GG làm.
Bên cạnh đó, dưới đây là 10 bước mà tác giả gợi ý sẽ biến đổi hoàn toàn nhóm hoặc nơi làm việc của bạn:
- Cho công việc của bạn một ý nghĩa
- Tin tưởng mọi người
- Chỉ tuyển những người giỏi hơn bạn
- Đừng nhầm lẫn phát triển với quản lý hiệu quả làm việc
- Tập trung vào hai đoạn chót
- Vừa tiết kiệm vừa phóng khoáng
- Trả lương không công bằng
- Những cú hích
- Quản lý những kỳ vọng ngày càng tăng
- Tận hưởng! Rồi quay về số 1 và làm lại từ đầu
Mình đồng ý với tác giả về quan điểm “Chúng ta có thể chọn tạo ra kiểu tổ chức mà ta muốn” và “Công khai hướng đi thay đổi trước hàng nghìn người không phải là chuyện dễ, nhưng là việc đúng đắn nên làm”. Và dù ngành nào, lĩnh vực nào, thử nghiệm, đo đạc, phân tích và quay lại thử nghiệm vẫn luôn là vòng lặp mà chúng ta nên thực hiện. Và với cương vị của một người quản lý, mình nghĩ rằng một trong những nhiệm vụ, công việc quan trọng nhất là giúp mọi người/nhân viên tìm ra mục đích, ý nghĩa công việc của họ và truyền cảm hứng cho họ mỗi ngày.
Trong quá trình làm việc trong bộ phận Nhân sự nội bộ, mình được tiếp cận rất nhiều bài toán mà cuốn sách này có đề cập đến. Thực tế, sứ mệnh doanh nghiệp và giá trị cốt lõi (thực tế của doanh nghiệp) ảnh hưởng rất lớn đến các quyết định liên quan đến con người. Bộ phận nhân sự, trước tiên phải làm tốt những gì mình đảm nhận, sử dụng số liệu để chứng minh điều đó, sau đó mới tiếp tục thử nghiệm các chính sách khác bên lề (và thường gặp rất nhiều khó khăn do bài toán chi phí). Bài toán Nhân sự là một bài toán thú vị mà chắc chắn một mình bộ phận nhân sự không thể giải quyết được. Góc nhìn của lãnh đạo, ý chí của quản lý ảnh hưởng rất lớn đến quá trình này. Và câu hỏi đầu tiên mà chúng ta nên trả lời một cách thực sự là liệu doanh nghiệp nên hay không tin vào điểm tốt của con người? Các chính sách và hoạt động tiếp theo sẽ dựa vào kết quả của câu hỏi này để thực hiện.