Dưới góc độ một người mới ‘chập chững’ đọc các sách về tôn giáo, triết học, Muôn kiếp nhân sinh là một cuốn sách thú vị, khiến mình đọc hết chỉ trong 4 ngày. Tuy nhiên cuốn sách vẫn còn nhiều cặn và có thể khai thác tốt hơn.
Mình biết đến cuốn sách này qua giới thiệu của một Youtuber khi bản thân không quá hứng thú với các sách fiction, muốn tìm kiếm những cuốn sách có nội dung, thú vị và không quá dày kiến thức. Ấn tượng mạnh mẽ bởi background của tác giả – Nguyên Phong – hay tên thật John Vũ – mình quyết định đọc cuốn sách này. Khai thác hành trình của ông Thomas – vị doanh nhân nổi tiếng trong lĩnh vực tài chính, trên con đường trở về với những kiếp trước của mình là một hướng đi đầy táo bạo, khiến người đọc tò mò về những gì ông đã trải qua, những gì đã học được…
Theo dấu hành trình chính là lí do khiến mình không dứt được trong quá trình đọc sách, mình tò mò không biết ông Thomas là ai ở kiếp sống đó, không biết ông ý đã làm gì, ông ấy làm được gì, ông ấy đã trải qua những gì trong kiếp người này. Ghi dấu ấn sâu đậm của mình trong chặng đường còn lại là câu chuyện về Thành – Trụ – Hoại – Diệt của mỗi quốc gia, dân tộc và lớn hơn là cả loài người. Liệu với những tri thức hữu hạn của con người, cách chúng ta đang dùng để giải thích vũ trụ, giải thích những bí ẩn xung quanh cuộc sống của chúng ta liệu có còn chính xác? Không phải tôi là ai mà chúng ta là ai? Chúng ta sống và tồn tại trên cuộc đời này để làm gì? Giá trị của chúng ta là gì?
Là cuốn sách để lại cho mình nhiều câu hỏi bỏ ngỏ sau khi đọc, nhưng cuốn sách cũng có nhiều điểm mà mình nghĩ có thể làm tốt hơn.
- Cuốn sách dùng quá nhiều câu thoại dài, triết lý. Đây có thể coi là tính độc đáo của cuốn sách nhưng cũng là con dao hai lưỡi khiến người đọc cảm thấy mệt khi đọc những đoạn thoại này.
- Quá ít case study, và thiếu tính đa dạng. Là hành trình trở về của ông Thomas qua các tiền kiếp, nhưng số kiếp sống chúng ta được tiếp cận chỉ là 2. Kì cục là ở hai kiếp sống đó, vai trò của ông Thomas khá là đặc biệt, đều ở tầng lớp cao, kiếp thứ 2 còn là Pharaon lỗi lạc. Mặc dù trong cuốn sách cũng có đề cập đến 1 phần rất nhỏ về kiếp sống làm côn trùng ăn vi khuẩn ở chân phụ nữ nhưng việc không có cái nhìn đa diện ở các kiếp, kèm với việc kiếp này của ông Thomas cũng là một người giàu có, có địa vị cao trong xã hội khiến mình thấy nó không được ổn lắm. Đại để là đọc không đã.
- Còn nhiều yếu tố bỏ ngỏ: Có những nhân vật nữ trong truyện khiến mình khá băn khoăn về vai trò của họ, và cũng k được giải thích đến cuối sách.
Chốt hạ là nếu ai thích thể loại này, hoặc thích bác Nguyên Phong có thể đọc, còn lại mình nghĩ đây không hẳn là cuốn sách must-have và phải đọc đâu.
Nguồn ảnh: Internet – Tui đọc trên Kindle