Người lớn, như thế nào là lớn, bạn nó bảo: “Được 1m6 chưa mà đòi bảo mình là người lớn?”
Mình đang lớn, bạn bè xung quanh cũng đang lớn, nhưng không hiểu sao người ta lại chọn cách sống khép mình hơn, cười ít hơn, lo lắng nhiều hơn để thể hiện việc mình đang lớn dần lên. Mình không hiểu.
Cứ bị dòng đời xô đẩy như thế, mình cũng học theo cách lớn lên của họ, ít nói hơn, ít cười hơn và buồn nhiều hơn, rồi thẫn thờ tự hỏi vì sao càng lớn người ta lại đa sầu đa cảm đến nhường ấy. Mà nhiều khi nghĩ, buồn nhiều hơn hẳn là hệ quả tất yếu của việc nói ít đi, cười ít đi, chia sẻ ít đi với thế giới bên ngoài.
Nghĩ thì nghĩ được như vậy, nên cũng không học theo cách lớn của người ta nữa, đọc câu chuyện cười, bài báo hay cũng muốn share cho người nọ, đọc cho người kia nhưng mà, lại là nhưng mà phản hồi của người ta còn tệ hơn cả mình nghĩ.
Lại, lại bị dòng đời xô đẩy nữa, lại ít lời đi.
Đôi khi, thỉnh thoảng rồi đến thường xuyên nghĩ bản thân cô đơn đến lạ, dần dần thấy nụ cười cũng bớt tươi hơn, cười ít hơn, rồi những lời khen cũng trở nên không thật lòng và kì quặc đến lạ. Và thẳng thắn trở thành vô duyên.
Lớn làm gì để rồi sống không là mình, sống không thoải mái, sống mà buồn đến vậy.
Hẳn có người đọc, nghĩ mình viết như này, chắc mình còn trẻ con lắm. Cơ mà người lớn là gì, là người biết chịu trách nhiệm với những gì mình nói, mình làm, không gây tổn thương cho người khác, khiến bản thân và những người xung quanh cảm thấy được bảo vệ, được tin tưởng, được yêu thương. Và nếu như thế, mình tin, mình lớn thật rồi.
Ngẫm lại, đọc lại những gì mình viết, thấy sao mà lủng củng, mà vô nghĩa thế. Viết, chỉ đơn giản là muốn share cảm xúc ra, để mà không buồn, không cô đơn, không nhàm chán nữa.
Đó, lướt fb, tumblr rồi linh tinh các kiểu, chỉ thấy đời sao buồn quá, mọi người sao cô đơn quá, sao chán ngán, tẻ ngắt quá. Có gì vui mọi người khoe lên đi, để người khác, như mình nhìn vào thấy đời sao đẹp, sao nhiều thứ cần phấn đấu thế, sao nhiều thứ cần học, cần theo đuổi thế.
Nhìn lại, lại nhìn lại, sự thật vẫn chỉ là những thứ siêu buồn chán mà thôi.
Lớn rồi, chịu trách nhiệm rồi, làm những điều thật tuyệt vời cho cuộc sống để sống không uổng, sống không phí mà thôi. Thế đấy :))
Hà Thương. 23.01.2015. Trích đoạn thêm một đoạn mà Thương 2015 share về và Thương 2018 nghĩ là có liên quan.
Nếu bạn khổ, nếu bạn phiền não, chẳng ai nói với bạn rằng ai đó đã tẩy não bạn, ai đó đã thôi miên bạn. Nhưng nếu bạn mỉm cười, nhảy múa vui vẻ trên phố, hát bài hát, mọi người sẽ bị sốc. Họ sẽ nói, “Anh làm gì vậy? Ai đó đã tẩy não anh sao? – Anh có bị thôi miên hay có phát điên không đấy?”
Trong thế giới kì lạ này phiền não được chấp nhận là tự nhiên. Đau khổ được chấp nhận là tự nhiên. Tại sao? Bởi vì bất kì khi nào bạn trông phiền não và bất kì khi nào bạn khổ bạn làm cho người khác cảm thấy hạnh phúc là người đó không khổ đến thế, người đó không bất hạnh đến thế. Bạn cho người đó một cơ hội để bày tỏ thông cảm với bạn, và thông cảm chẳng tốn kém gì.
Nhưng nếu bạn phúc lạc thế, hạnh phúc thế, thế thì người đó không thể nào cảm thấy bản thân mình hạnh phúc hơn bạn được; bạn đang đặt người đó xuống dưới. Người đó cảm thấy cái gì đó sai với người đó. Người đó phải kết án bạn, bằng không thì người đó phải nghĩ về bản thân mình, điều người đó sợ nghĩ tới. Mọi người đều sợ nghĩ về bản thân mình bởi vì điều đó có nghĩa là thay đổi, biến đổi, trải qua những quá trình nào đó.
Dễ dàng chấp nhận mọi người với bộ mặt buồn, rất khó chấp nhận mọi người với tiếng cười. Đáng phải không như vậy. Trong một thế giới tốt hơn, trong một thế giới với nhiều người có ý thức hơn, nó không nên như vậy, nó nên là điều đối lập lại – rằng khi bạn phiền não mọi người sẽ bắt đầu hỏi bạn, “Có chuyện gì vậy, điều gì đã sai?”
Và khi bạn hạnh phúc và bạn nhảy múa bên đường, nếu ai đó đi qua, người đó có thể cùng tham gia với bạn, người đó có thể nhảy múa cùng bạn, hay người đó ít nhất cũng cảm thấy hạnh phúc khi xem bạn nhảy múa. Nhưng người đó sẽ không nói bạn điên, bởi vì nhảy múa không phải là điên, hát không phải là điên, vui vẻ không phải là điên; khổ là điên. Nhưng lại ngược đời, điên khùng được chấp nhận.
– via Tự Hiểu Mình’s blog –